BẢN MÔ TẢ SÁNG KIẾN
THÔNG TIN CHUNG VỀ SÁNG KIẾN
1.Tên sáng kiến: “NÂNG CAO HỨNG THÚ, HIỆU QUẢ DẠY - HỌC MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI LỚP 3 THÔNG QUA CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM”
2.Lĩnh vực áp dụng sáng kiến:
Áp dụng trong dạy học môn Tự nhiên và xã hội Lớp 3
3.Tác giả:
Họ và tên: Nguyễn Thị Là
Ngày / tháng / năm sinh: 02/10/1977
Chức vụ, đơn vị công tác: Giáo viên trường Chiến Thắng
Điện thoại: DĐ: 0984 537 611 Cố định: 0339 678 765
4. Đồng tác giả ( không có )
5. Đơn vị áp dụng sáng kiến:
Tên đơn vị: Trường Tiểu học Chiên Thắng
Địa chỉ: Xã Chiến Thắng – Huyện An Lão – Thành phố Hải Phòng
Điện thoại: 0266 879076
I. Mô tả giải pháp đã biết:
Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đặc biệt Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 30/2014/TT- BGD& ĐT về Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Và gần đây nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 22/2016/TT- BGD&ĐT về việc Sửa đổi, bổ sung một số diều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo thông tư số 30/2014/TT- BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông tư số 27/2020/TT- BGD&ĐT về Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Để đáp ứng yêu cầu về đổi mới cách đánh giá học sinh theo thông tư 22/2016 và thông tư 27/2020 thì tất yếu giáo viên phải có sự đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Những năm qua Trường Tiểu học Chiến Thắng đã vận dụng nhiều phương pháp và hình thức dạy học mới, nhờ đó chất lượng dạy và học nâng cao rõ rệt. Thiết nghĩ, việc tìm tòi, tích lũy những phương pháp và hình thức dạy học đạt hiệu quả cao chính là việc làm cần thiết và thường xuyên của mỗi giáo viên.
Trong giảng dạy môn Tự nhiên và xã hội Lớp 3 ngoài các phương pháp giảng dạy truyền thống như: Quan sát, đàm thoại, thảo luận, … và các hình thức: học nhóm - cá nhân - cả lớp,… chúng tôi đã vận dụng những phương phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực như mô hình nhóm VNEN, phương pháp bàn tay nặn bột... Tuy nhiên các giải pháp trên đều có những ưu điểm, nhược điểm của nó.
Giúp học sinh phát huy tích cực tính tự học, sáng tạo, tính tự giác, tự quản, sự tự tin, hứng thú trong học tập. Giúp các em phát huy tốt các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tự đánh giá lẫn nhau trong giờ học.
Kích thíchtính tò mò, ham muốn khám phá và say mê tìm hiểu kiến thức về tự nhiên và xã hội. Rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh, kĩ năng xử lí tình huống, bảo vệ ý kiến cá nhân. Kiến thức được HS tiếp nhận một cách tự nhiên, thoải mái, không gò ép. HS mạnh dạn tự tin trước đám đông.
2. Hạn chế:
Với mô hình nhóm VNEN thì HS được tự do, thảo luận làm việc nhóm nên việc quản lý, giữ trật tự trong lớp học rất khó giám sát bao quát hết các nhóm. Trong hoạt động tương tác giữa các HS, chỉ những em mạnh dạn mới hay giơ tay phát biểu, một số ít HS không tham gia thảo luận, thụ động và ỷ lại.
Với phương pháp bàn tay nặn bột thì trang thiết bị chưa đầy đủ phục vụ cho việc thí nghiệm hoặc trang bị dạy học chưa đảm bảo tính khoa học, chính xác. HS gặp nhiều khó khăn trong việc ghi vở thực nghiệm, tốn nhiều thời gian cho việc trình bày ý tưởng cá nhân.
II. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến:
1. Nội dung giải pháp mà tác giả đề xuất
Để khắc phục tình trạng trên , tôi đã nghiên cứu sáng kiến: “Nâng cao hứng thú, hiệu quả dạy - học môn tự nhiên và xã hội lớp 3 thông qua các hoạt động trải nghiệm”
1.1. Tổ chức hoạt động trải nghiệm qua các thí nghiệm đơn giản.
Hoạt động trải nghiệm được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như hoạt động làm thí nghiệm, tổ chức trò chơi, diễn đàn, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại, các hội thi, hoạt động giao lưu, hoạt động nhân đạo, hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng, sinh hoạt tập thể, lao động công ích, sân khấu hóa (kịch, thơ, hát, múa rối, tiểu phẩm, kịch tham gia,…), thể dục thể thao, tổ chức các ngày hội,… Mỗi hình thức hoạt động trên đều mang ý nghĩa giáo dục nhất định.
Ở lớp 3, Chủ đề I là chủ đề “ Con người và sức khỏe”. Nội dung này được gắn liền với lứa tuổi các em, vì vậy khi giảng dạy, giáo viên cần chú ý quan tâm đến việc làm những thí nghiệm đơn giản.
* Hoạt động làm thí nghiệm có tác dụng :
+ Giúp học sinh đi sâu vào tìm hiểu bản chất các sự vật, hiện tượng, sự vật tự nhiên.
+ Thí nghiệm được sử dụng như “nguồn” dẫn học sinh đi tìm tri thức mới, vì thế các em sẽ hào hứng, hiểu sâu và nhớ lâu hơn.
+Rèn luyện cho học sinh một số kĩ năng: đặt thí nghiệm , lắp ráp sử dụng dụng cụ thí nghiệm, quan sát diễn biến thí nghiệm, ...
* Để dạy học theo hoạt động thí nghiệm thông thường cần tuân theo các bước sau:
+) Xác định mục đích của thí nghiệm: Các thí nghiệm trong chương trình Tự nhiên và xã hội 3 có thể phân thành 3 loại chính:
- Loại nghiên cứu mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả (học sinh thao tác, thực hành trên vật thật ).
- Loại nghiên cứu tìm hiểu từ trải nghiệm thực tế
- Loại nghiên cứu đặc điểm của sự vật.
+) Vạch kế hoạch tiến hành thí nghiệm:
Liệt kê những dụng cụ thí nghiệm cần có và những điều kiện để tiến hành thí nghiệm.
Vạch kế hoạch cụ thể (làm gì trước, làm gì sau).
- Thực hiện thao tác gì ? Trên vật nào ?
- Quan sát dấu hiệu gì ? Ở đâu ? bằng giác quan nào hoặc phương tiện nào ?
- Bố trí, lắp ráp và làm thí nghiệm theo các bước đã vạch ra.
+)Phân tích kết quả và kết luận: Phần này, giáo viên cần hướng dẫn học sinh chú ý đến các dấu hiệu bản chất. dạy học sinh cách so sánh, suy luận để rút ra kết luận.
Lưu ý: Tuỳ từng thí nghiệm, tuỳ trình độ học sinh, giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm thí nghiệm ở các mức độ khác nhau như:
- Học sinh nghiên cứu thí nghiệm được trình bày như SGK đưa ra nhận xét , giải thích và kết luận.
- Giáo viên làm mẫu, học sinh làm theo.
- Giáo viên có thể cùng học sinh làm thí nghiệm trên vật thật hoặc mô hình.
- Giáo viên giao nhiệm vụ, giúp đỡ học sinh từng bước tiến hành thí nghiệm thông qua phiếu học tập hoặc chỉ dẫn bằng lời.
* Ví dụ dạy bài 7: Hoạt động tuần hoàn
Hoạt động 2: Tim luôn co bóp đẩy máu vào 2 vòng tuần hoàn
- Giáo viên tổ chức cho học sinh làm thí nghiệm chứng minh “Tim luôn co bóp đẩy máu vào 2 vòng tuần hoàn
1. Chuẩn bị: Sơ đồ vòng tuần hoàn
2. Cách tiến hành: Cho HS thực hành thí nghiệm trên mô hình mà giáo viên đã chuẩn bị theo nhóm. Học sinh lần lượt thao tác bóp tim và quan sát ( mô hình ) để thấy được: Tim luôn co bóp để đưa máu đi khắp cơ thể. Nếu tim ngừng hoạt động thì cơ thể sẽ ngừng hoạt động
3. Phân tích kết quả và kết luận
Qua thực hành thí nghiệm trên mô hình, học sinh thảo luận nhóm phân tích kết quả quan sát thí nghiệm và rút ra kết luận :
- Tim luôn co bóp đẩy máu vào hai vòng tuần hoàn.
- Vòng tuần hoàn lớn : đưa máu chứa nhiều khi ô-xi và chất dinh dưỡng từ tim đi nuôi cơ thể, đồng thời nhận khí các-bô-níc và chất thải của các cơ quan rồi trở về tim.
- Vòng tuần hoàn nhỏ: đưa máu từ tim đến phổi lấy khí ô-xi và thải khí các-bô-níc rồi trở về tim.
* Ví dụ bài 13: Hoạt động thần kinh.
Hoạt động 1: Cơ thể sẽ phản ứng như thế nào khi bạn chạm vào vật nóng?
- Chuẩn bị:
+ Mỗi nhóm 2 chiếc cốc thủy tinh.
+ Hai phích nước nóng.
+ Mỗi nhóm 1 chai nước lọc.
- Cách tiến hành:
Học sinh tiến hành thí nghiệm và quan sát:
+ Rót nước nóng vào 1 cốc, cốc kia rót nước lọc.
+ Lần lượt từng bạn chạm tay vào 2 cốc nước.
3. Nhận xét, giải thích hiện tượng và kết luận.
- Khi chạm vào cốc nước nóng ta rụt tay lại.
- Học sinh giải thích: Khi gặp một kích thích bất ngờ, cơ thể tự động phản ứng rất nhanh. Những phản ứng như vậy gọi là phản xạ.
Như vậy qua hoạt động thí nghiệm: Học sinh có kỹ năng thao tác thành thạo trong việc thực hiện thí nghiệm dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhiều em bạo dạn, hứng thú và phấn khởi hơn trong học tập.
- Học sinh được trực quan (mắt thấy, tai nghe hoặc cảm nhận qua các giác quan) và giải thích hiện tượng rồi rút ra kết quả thí nghiệm, chứ không bị áp đặt, chấp nhận kết quả thí nghiệm một cách gián tiếp thông qua sách giáo khoa.
1.2. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm qua việc học tập theo nhóm.
Dạy học theo nhóm là hình thức giảng dạy học sinh vào môi trường học tập tích cực, trong đó học sinh được tổ chức thành các nhóm một cách thích hợp. Trong nhóm, học sinh được khuyến khích thảo luận và hướng dẫn làm việc hợp tác với nhau.
Hoạt động nhóm là một hoạt động học tập tích cực. Cụ thể là:
+ Đem lại cho học sinh cơ hội được sử dụng các kiến thức và kỹ năng mà các em được lĩnh hội và rèn luyện.
+ Cho phép học sinh diễn đạt những ý tưởng, những khám phá của mình.
+ Mở rộng suy nghĩ và thực hành các kỹ năng tư duy (so sánh, phân tích, tổng hợp, đánh giá ...).
Hoạt động nhóm giúp các em rèn luyện và phát triển kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, tạo điều kiện cho học sinh học hỏi lẫn nhau, phát huy vai trò trách nhiệm, tính tích cực xã hội trên cơ sở làm việc hợp tác. Thông qua hoạt động nhóm, các em có thể cùng làm với nhau những công việc mà một mình không thể tự làm được trong một thời gian nhất định.
+ Hình thức dạy học theo nhóm góp phần hình thành và phát triển các mối quan hệ qua lại trong học sinh, đem lại bầu không khí đoàn kết, giúp đỡ, tin tưởng lẫn nhau trong học tập.
+ Tổ chức cho học sinh học tập theo nhóm giúp các em học sinh nhút nhát, khả năng diễn đạt kém.. có điều kiện rèn luyện, tập dươc, từ đó tự khẳng định mình trong sự hấp dẫn của hoạt động nhóm.
+ Khi dạy học nhóm, giáo viên sẽ có dịp tận dụng các kinh nghiệm và sự sáng tạo của học sinh trong học tập.
* Muốn hoạt động nhóm đạt kết quả tốt cần đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Mỗi thành viên trong nhóm đều biết và hiểu công việc của nhóm, của bản thân.
+ Mỗi thành viên đều tích cực suy nghĩ và tham gia vào các hoạt động của nhóm (như phát biểu ý kiến, tranh luận ...).
+ Mọi thành viên đều lắng nghe ý kiến của nhau, thoải mái khi phân tích và nói ra những điều mình suy nghĩ.
+ Toàn nhóm làm việc hợp tác và đồng lòng với quyết định của cả nhóm.
+ Mọi người biết rõ việc cần làm, giúp đỡ lẫn nhau, đều lo lắng tới công việc chung.
+ Vai trò của nhóm trưởng, thư ký, báo cáo viên ... được thực hiện luân phiên.
Chính vì thế giáo viên cần có sự chuẩn bị kỹ càng từ việc tự làm thử thí nghiệm trước khi lên lớp đến cách tổ chức, giao việc để tránh gây lôn xộn hoặc học sinh không nắm bắt được yêu cầu kiến thức của tiết học. Muốn vậy, giáo viên cần chú ý:
+ Mệnh lệnh đưa ra rõ ràng, ngắn gọn (chia nhóm nhỏ, lớn).
+ Giao việc cụ thể cho từng nhóm.
+ Phân công nhiệm vụ cho các em.
Trong nhóm thường có các thành phần:
+ Trưởng nhóm: Quản lý chỉ đạo, điều khiển nhóm hoạt động.
+ Thư ký nhóm: Ghi chép lại các kết quả công việc của nhóm sau khi đạt được sự đồng tình của nhóm.
+ Báo cáo viên: Trình bày trước lớp kết quả công việc của nhóm.
+ Các thành viên khác trong nhóm có trách nhiệm tham gia tích cực vào các hoạt động của nhóm.
Mỗi nhóm chỉ nên có khoảng từ 2 đến 6 em.
Ví dụ dạy bài: Hoạt động thở và cơ quan hô hấp – TNXH 3/3
- Giáo viên chia lớp thành các nhóm ( mỗi nhóm 4 em)
- Giao nhiệm vụ cho các nhóm: Quan sát việc hít vào thật sâu và thở ra hết sức của các bạn trong nhóm rồi mô tả sự thay đổi của lồng ngực. Ghi lại kết quả vào phiếu học tập.
- Các nhóm thực hành trải nghiệm: Nhóm trưởng điều hành các bạn trong nhóm thực hành trải nghiệm việc hít thở cho nhau xem. Cử một bạn đại diện cho nhóm mình ghi lại các kết quả quan sát được. Giáo viên theo dõi hướng dẫn các nhóm thực hành.
- Đại diện nhóm trao đổi trước lớp để rút ra kiến thức:
+ Khi hít vào thật sâu: lồng ngực phồng lên để nhận không khí.
+ Khi thở ra hết sức: lồng ngực xẹp xuống, đẩy không khí ra ngoài.
+ Cơ quan hô hấp có chức năng: Đưa các chất dinh dưỡng và ô-xi đi nuôi cơ thể, nhận các chất thải và khí các-bô-níc từ các cơ quan của cơ thể. Cung cấp khí ô-xi cho cơ thể, thải khí các-bô-níc ra ngoài.
1.3. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm qua“Trò chơi học tập”
Chơi là một nhu cầu mang tính sinh học của các em. Có thể nói vui chơi cần thiết và vô cùng quan trọng như ăn, ngủ, học tập... trong đời sống của các em.
Tổ chức trò chơi học tập giúp thay đổi hình thức hoạt động trên lớp, làm không khí lớp học thoải mái, dễ chịu, học sinh tiếp thu kiến thức thoải mái, tích cực hơn ...
* Khi tổ chức trò chơi người giáo viên cần phải nắm và thực hiện được các nguyên tắc sau:
+ Trò chơi phải thể hiện mục đích rõ ràng về kiến thức của bài học, đảm bảo ôn tập, củng cố, rèn kĩ năng hoặc ứng dụng một đơn vị kiến thức cụ thể.
+ Trò chơi phải đơn giản, dễ làm sao cho bản thân giáo viên và học sinh đều có thể tự làm được.
+ Hệ thống trò chơi trong các giờ học phải thu hút được nhiều đối tượng học sinh tham gia.Tránh chỉ thiết kế trò chơi cho học sinh khá giỏi.
+ Có luật chơi.
+ Đảm bảo an toàn cho học sinh khi chơi.
+ Nên tổ chức vào phần củng cố bài học, khi thời gian của tiết học còn khoảng 5 đến 6 phút.
* Cách tổ chức trò chơi:
+ Giới thiệu và nêu cách chơi: Có thể tiến hành nhiều cách khác nhau nhưng yêu cầu giáo viên nói ngắn gọn rõ ràng, dễ hiểu, sao cho tất cả học sinh nắm được cách chơi.
+ Cho học sinh chơi thử (nếu cần).
+ Tiến hành chơi (giáo viên điều khiển trò chơi phải nắm vững tiến trình và theo dõi chặt chẽ).
+ Đánh giá kết quả chơi: Sau mỗi lần chơi giáo viên nhận xét, đánh giá đúng thực chất của cuộc chơi. Nêu ưu, nhược điểm của từng cá nhân, tập thể. Xếp giải nhất, giải nhì... công bằng rõ ràng để kích thích những lần chơi tiếp theo.
Kết thúc: Giáo viên hỏi xem học sinh đã học được những gì qua trò chơi hoặc giáo viên tổng hợp lại những gì cần học được qua trò chơi này; Lưu ý: Đối với những trò chơi đơn giản, không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ các bước trên.
*Ví dụ dạy bài 17: Ôn tập con người và sức khỏe
Trò chơi: Đố bạn ?
Mục đích: Giúp học sinh nhớ được từng cơ quan trên cơ thể và chứa năng của từng cơ quan đó trong mỗi hình vẽ.
Chuẩn bị: Tranh ảnh như SGK/36.
Cách tiến hành:
- Giáo viên phổ biến luật chơi:
+ Học sinh chơi có nhiệm vụ nêu câu hỏi để hỏi bạn về tên của cơ quan trong từng hình vẽ hoặc nêu cấu tạo ngoài của cơ quan đó. Mỗi bạn chỉ hỏi 1 câu hỏi để hỏi bạn và phải đánh giá câu hỏi vừa hỏi.
+ Học sinh được bạn mời tham gia sẽ trả lời và được quyền nêu câu hỏi tiếp theo để hỏi bạn khác trong lớp.
+ H trả lời đúng và nêu câu hỏi gọn rõ sẽ nhận được một món quà từ giáo viên.
- Cho học sinh chơi thử.
Học sinh 1 hỏi và gọi một bạn bất kì trong lớp trả lời: Hình 1 mô tả cơ quan nào trong cơ thể?
Học sinh 2 trả lởi: Cơ quan tuần hoàn. Học sinh 1 đánh giá đúng thì học sinh 2 hỏi tiếp bạn khác trong lớp: Cơ quan tuần hoàn gồm những bộ phận nào?
Học sinh 3 trả lời...( nếu bạn được gọi trả lời chưa đúng thì bạn hỏi được quyền gọi bạn khác trả lời giúp bạn.)
- H tham gia trò chơi
- Tổng kết trò chơi: Nhận xét,tuyên dương học sinh tham gia trò chơi tích cực, khen ngợi các em đã nhớ những kiến thức về chủ đề con người và sức khỏe.
- Kết thúc: Giáo viên yêu cầu học sinh nêu nhận xét của mình qua việc tham gia trò chơi.
1.4 Tổ chức các hoạt động trải nghiệm qua tham quan dã ngoại
Đây là hình thức tổ chức học tập trải nghiệm hiệu quả nhất bởi tính hấp dẫn đối
với học sinh. Các hình thức tham quan dã ngoại mà hiện nay được các nhà trường lựa chọn để giáo dục học sinh trong môn Tự nhiên và xã hội như tham quan các khu trải nghiệm trang trại : vườn cây, ao cá, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, nhà máy, xí nghiệp; tham quan các cơ sở sản xuất, làng nghề, tham quan các viện bảo tàng, tham quan du lịch truyền thống.
Mỗi hình thức tham quan dã ngoại lại gắn với một chủ để học tập giáo dục trong chương trình hay là nguồn bổ sung kiến thức thực tiễn hoặc kĩ năng sống cần thiết cho học sinh.
Đề thực hiện hoạt động trải nghiệm tham quan dã ngoại đạt hiệu quả, cần:
+ Xây dựng kể hoạch trải nghiệm: Kế hoạch phải chỉ rõ thời gian, địa điểm và thành phần tham gia; phương tiện lịch trình; kinh phí.
-Tổ chức cho học sinh trải nghiệm tham quan dã ngoại theo kế hoạch. Chú ý đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt quá trinh tham gia trải nghiệm.
- Tổ chức cho học sinh viết thu hoạch sau khi tham gia trải nghiệm.
Mỗi cá nhân ghi lại những kiến thức xoay quanh chủ đề hoặc những cảm nhân của các em sau khi tham gia trải nghiệm.
- Thảo luận nhóm về nội dung kiến thức thu được qua hoạt động trải nghiệm.
Các nhóm trao đổi trình bày để rút ra bài học sau hoạt động trải nghiệm.
Môn Tự nhiên và xã hội Lớp 3 hoạt động trải nghiệm qua hình thức tham quan dã ngoại có thể tổ chức cho nhóm các bài học thuộc các chủ đề; Động vật, Thực vật. Chủ đề Bầu Trời và Trái Đất ...
Hoạt động trải nghiệm qua tham quan dã ngoại có thể tổ chức ngay tai địa phương với một số bài học thuộc nhóm chủ đề gần gũi với cuộc sống thực tế của học sinh vùng ngoại thành như chủ đề : động vật, thực vật....
Ví dụ khi dạy bài 41: Thân cây – TNXH3
Giáo viên tiến hành tổ chức Hoạt động trải nghiệm qua tham quan dã ngoại cho học sinh tại một hộ dân làm vườn ngay gần trường học.
-Xây dựng kế hoạch: Thời gian : từ 6 rưỡi đến 8 giờ, ngày...Tại trường Tiểu học Chiến Thắng. Lớp 3D tổ chức cho học tham gia trải nghiệm tại vườn cây nhà bác Chiến thôn Mông Thượng ( cách trường 200m)
Thành phần gồm: 01 Giáo viên chủ nhiệm, 01 phụ huynh đại diện hội CMHS lớp và 40 học sinh.
-Tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm: Đi bộ theo hai hàng dọc đến vườn nhà bác Chiến.
Nhiệm vụ tham quan vườn cây, cách bố trí các loại cây, quan sát nhận xét và ghi lại tên một số loài cây, tìm hiểu đặc điểm của thân cây.
- Viết thu hoạch: Học sinh dựa vào những điều các em đã ghi lại trong quá trình tham quan trải nghiệm và viết thu hoạch cá nhân theo phiếu sau: Kể tên các loại cây mà em biết:
Cây thân leo
|
|
Cây thân bò
|
|
Cây thân gỗ
|
|
Cây thân mềm
|
|
-Thảo luận: Giáo viên tiến hành cho học sinh thảo luận nhóm để rút ra kiến thức
+Các cây thường có thân mọc đứng ; một số cây có thân leo, thân bò.
+ Có loại cây thân gỗ (nhãn, xoài,…), có loại cây thân thảo ( lúa, rau muống,…)
+Cây su hào có thân phình to thành củ.
2. Tính mới, tính sáng tạo:
2.1. Tính mới:
Hoạt động trải nghiệm nhằm định hướng, tạo điều kiện cho học sinh quan sát, suy nghĩ và tham gia các hoạt động thực tiễn, qua đó tổ chức khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các em tích cực nghiên cứu, tìm ra những giải pháp mới, sáng tạo những cái mới trên cơ sở kiến thức đã học trong nhà trường và những gì đã trải qua trong thực tiễn cuộc sống, từ đó hình thành ý thức, phẩm chất, kĩ năng sống và năng lực cho học sinh.
2.2. Tính sáng tạo:
Hoạt động trải nghiệm là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường phổ thông. Hoạt động trải nghiệm là một bộ phận của quá trình giáo dục, thông qua các hoạt động thực hành, những việc làm cụ thể và các hành động của học sinh. Thông qua việc tham gia vào các hoạt động trải nghiệm , học sinh được phát huy vai trò chủ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Các em được trải nghiệm, được bày tỏ quan điểm, ý tưởng, được đánh giá và lựa chọn ý tưởng hoạt động, được thể hiện, tự khẳng định bản thân, được tự đánh giá và đánh giá kết quả hoạt động của bản thân, của nhóm mìnhvà của bạn bè,… Từ đó, hình thành và phát triển cho các em những giá trị sống và các năng lực cần thiết.
3. Khả năng áp dụng, nhân rộng:
Sáng kiến này không chỉ được áp dụng trong môn Tự nhiên và xã hội 3 mà còn có thể áp dụng với đa số các dạng bài của các môn hoc. Đồng thời có thể áp dụng đối với tất cả các lớp của tiểu học và THCS
4. Hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng giải pháp
4.1. Hiệu quả kinh tế:
- Áp dụng Hoạt động trải nghiệm trong sáng kiến này tiết kiệm được chi phí tài chính. Phát huy tối đa hiệu quả của các thiết bị có sẵn trong phòng thư viện thiết bị của nhà trường. Thậm chí những cảnh quan tự nhiên của nhà trường như: sân vườn, cây cối, hoa lá trong khuôn viên nhà trường cũng là các đồ dùng học tập để học sinh quan sát, thực hành, trải nghiệm.
- Tiết kiệm tiền của mua đồ dùng, thiết bị dạy học cho phụ huynh học sinh và nhà trường.
4.2. Hiệu quả về mặt xã hội:
- Người học được trải qua quá trình khám phá kiến thức và tìm giải pháp từ đó giúp phát triển năng lực cá nhân và tăng cường sự tự tin.
- Việc học trở nên thú vị hơn với người học và việc dạy trở nên thú vị hơn với người dạy.
- Khi học sinh được chủ động tham gia tích cực vào quá trình học, các em sẽ có hứng thú và chú ý hơn đến những điều học được và ít gặp vấn đề về tuân thủ kỷ luật.
- Học sinh có thể học các kỹ năng sống mà được sử dụng lặp đi lặp lại qua các bài tập, hoạt động, từ đó tăng cường khả năng ứng dụng các kỹ năng đó vào thực tế.
- . Giá trị làm lợi khác:
- Qua một kì thực hiện đề tài sáng “Nâng cao hứng thú, hiệu quả dạy học môn tự nhiên và xã hội lớp 3 thông qua các hoạt động trải nghiệm”, chúng tôi nhận thấy tiết học đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với cách dạy truyền thống là đọc chép hoặc một tiết dạy chỉ sử dụng bằng bài giảng điện tử cho học sinh nhìn chép.Khiến người học sử dụng tổng hợp các giác quan (nghe, nhìn, chạm, ngửi...) có thể tăng khả năng lưu giữ những điều đã học được lâu hơn.
- Các cách thức dạy và học đa dạng của hoạt động trải nghiệm có thể tối đa hóa khả năng sáng tạo, tính năng động và thích ứng của người học.
Khi chất lượng học tập của con em được nâng lên thì đồng thời cũng nâng cao được uy tín cho bản thân giáo viên với phụ huynh học sinh, với quần chúng nhân dân và các ban nghành đoàn thể. Từ đó sẽ thu hút được sự quan tâm của phụ huynh học sinh, của các ban nghành đoàn thể trong việc kết hợp việc dạy học, giáo dục giữa nhà trường, gia đình, xã hội.
CƠ QUAN ĐƠN VỊ
ÁP DỤNG SÁNG KIẾN
(Xác nhận)
|
An Lão, ngày 2 tháng 10 năm 2021
Tác giả sáng kiến
(Ký tên)
Nguyễn Thị Là
|
|